HỎA TỐC: Bắc Giang khẩn trương rà soát người tiếp xúc ca bệnh bạch hầu là nhân viên quán karaoke, nguy cơ lây lan cộng đồng
Đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca t-ử v-ong do bệnh Bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Theo thông tin từ Tiền Phong, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, tỉnh này vừa phát hiện một trường hợp trú ở huyện Hiệp Hòa dương tính với bệnh Bạch hầu. Hiện Bắc Giang đang khẩn trương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, ngày 7/7, trường hợp Moong Thị B (18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có kết quả xét nghiệm dương tính với Bạch hầu. Đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh Bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tỉnh Bắc Giang yêu cầu cách ly ngay ca bệnh, thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao; tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, thực hiện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính (mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh).
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm – Ảnh minh họa: Internet.
Đồng thời, cơ sở y tế phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm các thủ tục chuyển ngay ca bệnh trên lên Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương (do hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.Các đơn vị y tế trong tỉnh Bắc Giang chuẩn bị đầy đủ khu vực cách ly, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh Bạch hầu xảy ra; giám sát chặt chẽ các trường hợp đi, đến, về từ vùng đang có dịch Bạch hầu; phát hiện sớm các ca nhiễm/nghi nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để các trường hợp không để dịch bệnh Bạch hầu lây lan ra diện rộng.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, theo điều tra ban đầu, trong lịch trình di chuyển từ ngày 1/7 đến ngày 6/7, ngoài một số quán karaoke trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, ca bệnh có di chuyển đến quán karaoke 1990 ở thôn An Lạc, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội vào khoảng 19h30’ đến 23h00’ ngày 4/7.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh Bạch hầu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Giang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Bạch hầu trong nước và trên địa bàn tỉnh, phát hiện sớm, hướng dẫn cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Sở Y tế tỉnh Bắc Giang tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho các đơn vị y tế trên toàn tỉnh về công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh Bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin có thành phần Bạch hầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bắc Giang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Bạch hầu trong nước và trên địa bàn tỉnh, phát hiện sớm, hướng dẫn cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài – Ảnh minh họa: Tiền Phong
UBND huyện Hiệp Hòa thông tin ngay cho các địa phương ngoài huyện có trong lịch trình di chuyển của ca bệnh để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; rà soát, quản lý chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn và xử lý môi trường theo quy định.
UBND huyện Hiệp Hòa tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp đi, đến, về từ vùng đang có dịch Bạch hầu; phát hiện sớm các ca bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng.
Tuổi Trẻ, Bác sĩ Bùi Thu Phương, khoa nhi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết đường lây của bệnh qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ ủ bệnh do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí.
Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với da người mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.Bác sĩ Phương nêu rõ thời kỳ ủ bệnh của bệnh bạch hầu khoảng 2-5 ngày, không có biểu hiện gì, có tiền sử tiếp xúc người bệnh và trong vụ dịch.
Thời kỳ khởi phát bệnh thường tiến triển từ từ, bệnh nhân sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi, khó chịu, da xanh.
“Khi bệnh toàn phát, người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ hoặc không sốt, ho và đau họng, khó nuốt, đau đầu, khàn giọng. Vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc nặng, miệng hôi, mệt mỏi nhiều. Chảy nước mũi mủ máu, viêm loét niêm mạc mũi. Hạch cổ, hạch góc hàm to, cổ bạnh to tạo hình ảnh “cổ trâu”.
Họng đỏ, màng giả trắng xám, ánh vàng, nhẵn bóng, dính chặt vào amidan, họng, lan rất nhanh, bóc khó, gây chảy máu và làm giả mạc lan nhanh hơn, giả mạc này không tan khi cho vào nước.
Màng giả khởi đầu thường có ở amidan, sau lan nhanh ra hầu họng, vòm họng, lưỡi gà, xuống thanh môn gây khó thở thanh quản.
Ngoài đường hô hấp, bệnh bạch hầu có thể thấy bệnh trên da, kết mạc, niêm mạc sinh dục – tiết niệu, hậu môn, ống tai”, bác sĩ Phương cho hay.