Lễ cúng tiễn Táo quân là một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm của người Việt, do đó gia chủ cần chú ý khi thực hiện.
Khi mùa xuân về, không khí Tết cổ truyền của Việt Nam lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Trong số những nghi thức không thể thiếu, lễ cúng Ông Công Ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp luôn được các gia đình Việt coi trọng.
Đây không chỉ là dịp để tri ân những vị thần bảo quản gian bếp, mà còn là lúc để cầu mong một năm mới an lành và thịnh vượng. Vì vậy, việc chuẩn bị bàn thờ sao cho đúng đắn và trang trọng là điều cần thiết.
1. Chuẩn bị bàn thờ cúng Ông Công Ông Táo
Đầu tiên, việc chọn lựa vị trí đặt bàn thờ là quan trọng. Theo quan niệm, bàn thờ nên được đặt ở nơi sạch sẽ, tránh xa chỗ ẩm thấp và nguyên tắc này cần được tuân thủ để tạo nên không gian tôn nghiêm.
Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân ở dưới bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, song vẫn cần có mâm lễ cúng Ông Công Ông Táo nữa ở ban thờ chính, bởi theo quan niệm dân gian thì Ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà. Cúng Ông Công Ông Táo thì phải chú ý điều này.
Lễ vật cúng cần phải đầy đủ và chu đáo. Bộ lễ vật gồm có mâm cơm cúng với các món ăn truyền thống, ba bộ quần áo cho Táo Quân và ba con cá chép sống.
Theo tín ngưỡng dân gian, 12h ngày 23 tháng Chạp là thời điểm Ông Công ông Táo đã bay về chầu trời. Vì thế, việc cúng lễ cần làm trước thời gian này. Từ ngày 20 tháng Chạp, nhiều gia đình đã làm cơm đã cúng lễ.
2. Những điều kiêng kỵ khi cúng Ông Công Ông Táo
Để có một cái Tết Táo quân thật đẹp và ý nghĩa, gia chủ cần chú ý những điều đại kỵ nên tránh làm ảnh hưởng đến tài lộc.
Không dâng các món từ vịt, chim, ngỗng…
Về cỗ cúng Ông Công Ông Táo thì tùy thuộc vào điều kiện, gia chủ có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay gồm có cau trầu, nước và hoa quả. Lễ mặn gồm giò chả, chân giò, xôi và các món ăn cổ truyền khác.
Vì là ngày lễ quan trọng nên nhiều gia đình thường làm mâm cơm thịnh soạn với nhiều món khác nhau. Tuy nhiên, các món ăn làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, dê, chó, mực… được cho là không nên có trong mâm cơm cúng Ông Công Ông Táo.
Không cúng tiền âm phủ
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho rằng, khi cúng Ông Công Ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Vì Ông Công Ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.
Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm.
Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
Không ném cá chép từ trên cao xuống
Như đã nói ở trên, cá chép cúng lễ trong dịp này là để dâng cho thần linh làm phương tiện về trời. Chính vì thế khi thả cá phóng sinh càng không được tùy tiện. Khi thả cá, nên chọn nơi nước sạch, là môi trường tốt mà cá có thể tiếp tục sinh tồn, chớ nên chọn nơi ao tù nước đọng, sông hồ ô nhiễm hay nơi mà nhìn thấy rõ những kẻ xấu bụng đang chực chờ vớt cá.
Mọi người cũng nên chọn nơi gần mặt nước nhất, nhẹ nhàng thả cá xuống cho cá không bị choáng, ngất. Tuyệt đối không thả cá từ trên cao, ném từ trên cầu, đường xuống nước, cá dễ bị chết, càng không được thả nguyên bao nilon đựng cá xuống nước gây ô nhiễm môi trường.
Không khấn sai ý nghĩa
Trong lễ cúng Ông Công Ông Táo, gia chủ chỉ nên xin các táo Táo thương tình giơ cao đánh khẽ, báo cáo các việc tốt đẹp, xin Ngọc Hoàng phù hộ cho năm mới bình an.
Ý nghĩa thực sự của lễ cúng Ông Công Ông Táo là tiễn các vị thần lên thiên đình báo cáo tình hình của gia đình trong suốt 1 năm qua. Cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên trong khi làm lễ cúng này là không phù hợp